Nhóm 6 – Sự cạnh tranh của báo mạng điện tử với các loại hình báo chí khác

Báo mạng – một loại hình báo chí tuy chỉ vừa mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây –  nhưng đã có một chỗ đứng nhất định trong lòng mọi độc giả. Sự xuất hiện của báo mạng điện tử không ít thì nhiều đã gây ra những xáo trộn đối với các loại hình báo chí khác. Cuộc cạnh tranh giữa báo truyền hình, báo nói, báo viết và báo điện tử hiện nay vẫn chưa đến hồi ngã ngũ, nhưng dường như tại thời điểm này, báo điện tử đang chiếm ưu thế, khẳng định sức mạnh của một loại hình báo sinh sau đẻ muộn nhưng đầy tiềm năng.

Tháng 10/1993, Khoa báo chí Đại học Florida (Mỹ) tung ra cái mà họ tự tin là tờ báo Internet đầu tiên. Năm 1994, phiên bản online của tạp chí Hotwired chạy những banner quảng cáo đầu tiên và hàng loạt báo khác ở Mỹ ồ ạt mở website. “Cơn sốt vàng” của thời thông tin trực tuyến bắt đầu. Chỉ sau một thời gian ngắn, báo điện tử đã vươn lên chiếm ngôi của những loại báo lúc bấy giờ như báo in, báo hình hay báo nói. Theo các số liệu thống kê, số lượng độc giả của báo mạng tăng 30%, số lượng người đọc các tờ báo online hàng tháng là 55,5 triệu lượt. Một khảo sát lần đầu tiên về độc giả Internetcuar hãng dịch vụ thống kê truy cập Nielsen/NetRatings công bố mới đây cho thấy 1/5 số người lướt web thích đọc báo mạng hơn các phiên bản phi trực tuyến. Vậy nguyên nhân do đâu mà báo mạng điện tử đã có được vị trí như ngày hôm nay?

Ưu thế đầu tiên của báo điện tử chính là khả năng cập nhật thông tin nhanh nhạy, cùng với sự phong phú, đa dạng của các thông tin này. Với cùng một thông tin như nhau, nếu là báo hình hoặc báo nói thì phải đợi đến giờ phát sóng của các bản tin, hay với báo in thì phải chờ công đoạn kiểm duyệt thông tin, in báo, sau đó phải đợi đến tận ngày phát hành thì thông tin mới được đến với tay bạn đọc. Trong khi đó, với báo mạng bạn chỉ cần một cái nhấp chuột, tất cả những thông tin nóng hổi nhất sẽ luôn được cập nhật, gần như cùng một lúc với sự kiện diễn ra. Cái mà người đọc cần chính là sự nhanh nhạy trong các thông tin, và báo mạng đã đáp ứng được nhu cầu đó của các độc giả. Báo điện tử đã tham gia vào đời sống xã hội  với tư cách như một cơ quan đưa tin chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, những thông tin mà báo mạng đưa ra đều được trải rộng trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế – chính trị đến lĩnh vực văn hóa – xã hội hay thể thao, thời tiết, người đọc có thể tùy chọn theo từng mục đề mà mình thích để đọc báo. Luợng thông tin mà báo mạng đưa ra không hề thua kém những loại hình báo chí khác về sự đa dạng, phong phú.

Một trong những lợi thế khác của báo mạng chính là ở khả năng lưu trữ dường như là vô tận của các thông tin. Độc giả chắc sẽ cảm thấy khó khăn nếu muốn lưu trữ hay bảo quản những thông tin đã được phát sóng ở những chương trình phát thanh hoặc truyền hình. Với báo điện tử, người đọc có thể tìm kiếm các tài liệu cần thiết, sau đó có thể dễ dàng lưu (save) các thông tin đó để phục vụ cho mục đích của bản thân. Những tài liệu đó sẽ được lưu trữ một cách an toàn mà không chịu ảnh hưởng của thời gian, không gian như khi ta lưu giữ thông tin trên báo in. Không những thế, bằng cách đánh dấu các bài đọc, độc giả cũng tìm lại được các thông tin một cách dễ dàng. Ngoài ra, sức chứa dữ liệu của báo điện tử cũng vượt mặt những loại hình báo chí khác. Nếu như với báo truyền hình và báo phát thanh, lượng thông tin phải phụ thuộc vào thời lượng phát sóng của từng chương trình, hay với báo viết phải phụ thuộc vào số lượng trang báo thì báo điện tử lại không hề bị giới hạn về lượng thông tin được đưa ra.

Báo mạng còn có tính chủ động cao hơn so với các loại hình báo chí khác. Độc giả có quyền được lựa chọn thông tin một cách nhanh chóng. Với một chương trình truyền hình, người xem có thể phải mất một khoảng thời gian để đánh giá chương trình hay hay dở thì với một thông tin trên báo mạng, người đọc dễ dàng nhận ra thông tin mình có muốn theo dõi hay không chỉ qua những dòng chữ đầu tiên. Ngoài ra, giữa độc giả và tòa soạn của một tờ báo mạng luôn có sự tương tác rất cao. Người đọc dễ dàng gửi ý kiến về một bài báo ngay lập tức (đối với một số tờ báo mạng phía dưới bài báo luôn có một khung dành riêng cho ý kiến độc giả), và qua đó tòa soạn cập nhật những nhận xét hay những thông tin nóng được nhanh chóng hơn.

Với những thông tin lí thú ở trên những trang báo điện tử, bạn đọc dễ dàng chia sẻ nó cùng với bạn bè hay người thân bằng nhiều cách dễ dàng và thuận tiện như gửi email hoặc gửi trực tiếp vào yahoo messenger. Bằng cách đó, thông tin sẽ lan truyền rộng rãi, có sức ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Còn một ưu thế nữa của loại hình báo điện tử đó chính là yếu tố đa phương tiện (multimedia). Có thể coi báo điện tử hiện nay là sự hội tụ của cả báo giấy (text), báo tiếng (audio) và báo hình (video). Người đọc lướt web không chỉ được cập nhật thông tin dưới dạng chữ viết mà còn có thể nghe rất nhiều kênh phát thanh và xem truyền hình ngay trên các website báo chí. Ưu thế này không hề xuất hiện ở các loại hình báo khác.

Chính những sự ưu việt của báo điện tử đã giúp loại hình báo này “lên ngôi”, đồng thời đẩy những loại hình báo chí khác rơi vào khủng hoảng. Đầu tiên phải kể đến báo in khi vào năm 2008, 5 tờ báo lớn nhất nước Mỹ đều sụt giảm lượng phát hành. Tờ New York Times giảm 3.6%, Los Angeles Times giảm 5.2%, Daily News giảm 7.2%, New York Post giảm 6.3%. Tờ nhật báo hàng đầu Christian Sciene Monitor (CSM) cũng tuyên bố sẽ đình bản in hằng ngày từ tháng 4/2009. Hàng loạt vụ phá sản của báo chí Mỹ cũng xảy ra trong năm 2008, khi mà báo điện tử vươn lên chiếm thế độc tôn.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Báo chí (Bộ TT&TT), đến tháng 5/2009 đã có 4 tờ báo xin ngừng hoạt động, 5 tờ báo xin giảm kì, 6 báo xin giảm trang. Có báo lớn đã phải cắt giảm 20% lương nhân viên.

Với báo hình, tại Mỹ số người xem truyền hình đã giảm 2,5 triệu chỉ trong vòng từ 2006 đến 2008. Ngoài ra thời lượng xem TV mỗi ngày cũng giảm một cách đáng kể. Nguyên nhân là bởi sự thiếu cải tiến trong các chương trình truyền hình, chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu của độc giả. Trong khi đó với báo điện tử, dễ dàng thấy được rằng chất lượng hình ảnh và âm thanh không hề thua kém truyền hình hay phát thanh.

Sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ Internet nói chung hay báo điện tử nói riêng đã giúp nhiều công ty kiếm lời bằng cách bán quảng cáo thông qua các đoạn video phát trên mạng. Từ trước đến nay ưu thế này chỉ dành riêng cho truyền hình, và xu hướng này của các nhà quảng cáo đã trở thành một thách thức lớn đối với mạng lưới truyền hình trên thế giới. Nhiều tờ báo in đã phải lập tức triển khai phiên bản điện tử, trong đó phần lớn là phát hành lại các bài báo từ bản giấy và cập nhật thêm thông tin riêng vừa để cạnh tranh với báo điện tử, vừa là không thể cưỡng lại xu thế điện tử hóa. Trên thế giới, các ông trùm báo chí đã “kết án” báo in khi cho ra đời hàng loạt phiên bản điện tử, khiến công chúng không bỏ tiền mua báo in nữa. Biện pháp trên cũng được nhiều kênh truyền hình trên thế giới áp dụng. Ngay cả kênh truyền hình CNN cũng phải nhờ tới sự đột phá mang tên “CNN.com” mới giữ vững được ngôi vị là kênh truyền hình tin tức hàng đầu thế giới.

Với sự lớn mạnh như vũ bão của báo mạng điện tử, các loại hình báo chí khác đang có những sự thay đổi không ngừng để chiếm lại vị trí của mình trong lòng độc giả. Bên cạnh việc cải tiến nội dung, các loại báo này đang nỗ lực trong việc đổi mới cách trình bày hay giao diện. Mới đây, người ta tuyên bố sẽ gắn con chip điện tử lên những trang báo in, qua đó người đọc có thể thấy những hình ảnh quảng cáo vô cùng sống động như ta xem trên truyền hình. Những hình ảnh này có chế độ tự động bật – tắt khi ta giở sang trang kế tiếp. Cách tân này của báo in đã gây ra sự tò mò rất lớn đối với phần nhiều độc giả. Người ta đang chờ đợi từng ngày để có thể cầm trên tay tờ báo in công nghệ cao đầu tiên trên thế giới.

Nhiều tờ báo mạng cũng đã tuyên bố sẽ thu phí đọc báo online đối với các độc giả. Điều này đã gây ra sự hoang mang cho người đọc khi mà ưu điểm chi phí rẻ của báo mạng giờ đây đã không còn. Vậy với sự cạnh tranh không ngừng của các loại hình báo chí khác, liệu báo điện tử còn có thể chiếm vị trí độc tôn nhờ các ưu thế của mình hay không? Tương lai của báo mạng điện tử cùng với báo truyền hình, báo phát thanh và báo viết sẽ ra sao? Những câu hỏi này hiện vẫn đang chờ thời gian trả lời./.

Thực hiện: Nguyễn Thi Lê Chi ( Trưởng nhóm)

Nguyễn Thị Vân Anh

Trần Thi Hằng

Lý Quốc Hoàng

Lê Thị Quỳnh Phương

Posted on September 21, 2009, in Bài tập Nhập môn báo mạng and tagged , , , . Bookmark the permalink. 1 Comment.

  1. – Viết khá tốt, có một số thông tin tốt, cập nhật. Tuy nhiên có một số thông tin cần xem lại:
    – Báo mạng tuy chỉ vừa mới xuất hiện trong vài năm: thông tin không chính xác (tờ báo đầu tiên xuất hiện trên mạng vào năm 1992)
    – Không nên dùng: báo truyền hình, báo nói, báo viết và báo điện tử (sửa là: truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử)
    – Số liệu chỉ có ý nghĩ khi gắn với thời gian cụ thể và nguồn cung cấp (cần trích nguồn)
    – Giải thích điều này? “với báo mạng bạn chỉ cần một cái nhấp chuột, tất cả những thông tin nóng hổi nhất sẽ luôn được cập nhật, gần như cùng một lúc với sự kiện diễn ra”.

Leave a comment